- Châu Ấn Thuyền là gì
Châu Ấn thuyền (朱印船 ) là loại thuyền buồm thương mại của Nhật Bản có trang bị vũ trang, được cấp Châu ấn trạng (朱印状) của Mạc phủ Tokugawa cho phép họ xuất ngoại sang các thương cảng Đông Nam Á từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17 (1635) khi có lệnh bế quan tỏa cảng. Châu Ấn Trạng là giấy phép do chính quyền Mạc Phủ Tokugawa cấp cho các thuyền buôn, có tác dụng như giấy thông hành hay hộ chiếu ở thời hiện đại.
- Thương nhân nổi tiếng nhất trong thời kỳ giao thương Châu Ấn Thuyền tại Việt Nam
Suminokura Ryoi và Suminokura Yoichi là 2 cha con thương gia đóng góp rất lớn trong công cuộc giao thương Việt Nam Nhật Bản thời kỳ Châu Ấn Thuyền. Thuyền buôn của Nhà Suminokura là thuyền buôn đầu tiên được Mạc Phủ cấp phép để sang Việt Nam giao thương.
Chuyến buôn đầu tiên sang Việt Nam của thuyền Suminokura bắt đầu vào cuối thu năm 1603 và trở lại Nhật vào tháng 6 năm 1604. Đoàn gồm 180 người, sử dụng thuyền mua lại từ Trung Quốc. Đến những năm 1620, thuyền Suminokura tự đóng theo kiểu phương Tây, có thể chở đến 400 người, trở thành loại thuyền lớn nhất tong các thương thuyền sang Việt Nam.
Khi giao thương tại Việt Nam, họ chủ yếu mua sách vở (sách chủ yếu là sách y học và kinh Phật) , dược liệu, chì và đá tiêu (nguyên liệu làm thuốc súng). Các nguyên liệu này đều vô cùng quan trọng đối với nước Nhật thời bấy giờ, nhất là từ sau khi nhà Minh cắt đứt quan hệ giao thương với Nhật bản. Các mặt hàng khác có thể kể đến như: trầm hương, tơ, lụa, hồ tiêu,...
Về xuất khẩu, chủ yếu là các mặt hàng công nghệ từ Kyoto như quạt, dù (ô), gương, súng ống, đao kiếm, áo giáp và các loại trang sức. Mặt hàng được ưa chuộng nhất chính là đao kiếm “Kiếm Phù Tang chém sắt như bùn” chính là từ đây.
Triết lý kinh doanh vô cùng hiện đại và đạo đức
Gia tộc Suminokura đã có tầm nhìn xa trông rộng trong việc phát triển thương nghiệp, không những trong công tác kinh doanh, mà còn cả triết lý kinh doanh vô cùng thực tế và có luân lý. Tất cả những khách thương, thủy thủ, người tham gia Châu Ấn Thuyền của Nhà Suminokura đều phải tuân thủ nguyên tắc đặt ra, bao gồm 5 điều:
- Không dược làm tổn hại cho người khác để làm lợi cho mình. Nếu có lợi cho cả hai bên, thì dù cái lợi nhỏ, sau này vẫn sẽ thành cái lợi lớn. Nếu chỉ lợi cho mình, thì dù cái lợi lớn, sau này sẽ trở thành lợi nhỏ.
- Phải tôn trọng sự khác biệt văn hóa. Tìm hiểu những điều cấm kị cũng như phong tục tập quán của nơi mình đến. Ngoài ra, phải lấy chữ tín làm đầu. Vì chữ tín được tôn trọng ở tất cả mọi nơi.
- Tất những người cùng thuyền đều phải xem nhau như anh em, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu.
- Lòng tham là nguy hiểm nhất. Thứ nhì là rượu và sắc dục.
- Những điều trên phải ghi ra, mang theo bên mình để làm điều răng.
Triết lý kinh doanh của nhà Suminokura có thể tóm tát bằng “lợi mình lợi người” và “tín nghĩa”. Ngoài ra là sự đoàn kết và tránh những cám dỗ. Chính nhờ triết lý này, thương đoàn của Suminokura rất được lòng chính quyền Việt Nam (chính quyền Đàng Ngoài) khiến việc buôn bán cũng gặp thuận lợi.
Kết
Mối quan hệ giữa Việt Nam Nhật Bản đã có nguồn gốc lịch sử lâu đời, mà việc giao thương Châu Ấn Thuyền là một ví dụ. Với lịch sử giao lưu nhân dân trải dài hơn 13 thế kỷ từ thế kỷ thứ 8, hơn nửa thế kỷ hợp tác và cùng phát triển kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2023), Việt Nam và Nhật Bản đã chung tay vun đắp nên mối quan hệ hữu nghị hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả với nền tảng là sự tương đồng về văn hóa, sự gắn kết lịch sử bền chặt và sự tin cậy chính trị cao. Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hai nước là đối tác quan trọng của nhau trong khu vực và trên thế giới. Hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân… được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Đồng thời sự lớn mạnh của cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam tại Nhật Bản và cộng đồng gần 30.000 người Nhật Bản tại Việt Nam là nền tảng vững bền cho sự phát triển quan hệ hai nước Việt Nam–Nhật Bản. Việt Nam là điểm đến được các doanh nghiệp Nhật Bản ưa thích thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ khi xem xét các quốc gia, vùng lãnh thổ để mở rộng kinh doanh trong tương lai; cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản; Việt Nam cũng đứng thứ hai thế giới về số lượng du học sinh tại Nhật Bản.
12/04/2024